Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Nguyên nhân gây xơ gan?

Xơ gan là bệnh mà các tế bào gan bị tổn thương, xơ cứng, mất dần chức năng của gan, nguyên nhân gây xơ gan thường là viêm gan siêu vi, nghiên rượu, nhiễm độc tố…
Ở giai đoạn sớm của xơ gan, các triệu chứng thường kín đáo. Đôi khi, ở một số người, các biến chứng lại là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Vấn đề quan trọng là phải nhận biết sớm để xử lý kịp thời các biến chứng và tốt nhất là làm sao dự phòng không cho các biến chứng đó xảy ra.
Xơ gan là một bệnh gan mạn tính có tỉ lệ tử vong cao sau ung thư gan. Đây là hậu quả cuối cùng của các bệnh gan mạn tính, trong đó các tế bào gan bị hư hoại và được thay thế bằng các dải mô xơ và các nhân “tái sinh” làm phá vỡ cấu trúc bình thường của gan, gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan. Về cơ bản, không thể đảo ngược quá trình xơ hóa gan, tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh và hạn chế biến chứng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan như: viêm gan virút B, viêm gan virút C, do rượu và các độc chất… Ở một số quốc gia, tình trạng béo phì đang trở thành một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến xơ gan. Ở nước ta, một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan: viêm gan virút B, viêm gan virút C và do rượu.
Khi chức năng gan bị suy giảm trầm trọng sẽ dẫn đến xơ gan giai đoạn mất bù, lúc đó, các biến chứng sẽ xuất hiện thường xuyên và tỉ lệ tử vong có thể lên đến 85% trong vòng 5 năm nếu không có điều kiện ghép gan hoặc không được điều trị tích cực và đúng cách.
Một số biến chứng của xơ gan như xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, phù chân báng bụng, hôn mê gan, ung thư gan…
Làm sao để dự phòng các biến chứng của xơ gan?
  • Phù và báng bụng: chế độ ăn nhạt kết hợp dùng thuốc lợi tiểu.
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: dùng thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, thắt các búi giãn tĩnh mạch, hoặc chích xơ, đặt stent cửa – chủ trong gan.
  • Tình trạng nhiễm trùng: dùng kháng sinh, tiêm chủng phòng cúm, viêm phổi và viêm gan.
  • Ung thư gan: siêu âm bụng và xét nghiệm AFP định kỳ mỗi 3 – 6 tháng.
  • Bệnh não – gan: dùng thuốc nhuận trường lactulose để tránh táo bón và làm giảm độc tố NH3 trong máu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét